Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch sốt xuất huyết mỗi 10 năm, chỉ tính riêng giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 (ghi nhận hơn 334.231 ca nhiễm sốt xuất huyết) và năm 2022 (ghi nhận kỷ lục số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong giai đoạn 1980 – 2023 với 367.729 ca), đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau Brazil. Năm 2023, cả nước tiếp tục ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 người tử vong. (1)

Nếu như trước đây sốt xuất huyết chỉ diễn biến theo mùa, thì với tác động đô thị hóa và nhiều yếu tố khác như biến đổi khí hậu, giao thương phát triển, bệnh sốt xuất huyết ngày càng khó lường. Hiện, Việt Nam có số ca sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm và khắp mọi nơi trên đất nước.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn tiến nghiêm trọng với biến chứng nặng liên tục gia tăng. Bộ Y tế cảnh báo ngoài việc chủ động phòng bệnh, người dân cần phát hiện sớm chăm sóc, nhìn nhận và theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đúng cách rất quan trọng, đặc biệt là sốt xuất huyết ở trẻ em.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có khả năng dẫn đến biến chứng nặng, điều trị khó khăn, tốn kém. Sốt xuất huyết lây từ người sang người chủ yếu thông qua vết đốt của muỗi vằn cái Aedes aegypti có mang virus. Virus sốt xuất huyết có 4 tuýp huyết thanh bao gồm DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Có đến 80% trường hợp người nhiễm sốt xuất huyết không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây truyền bệnh qua cho người khác qua trung gian muỗi vằn.

Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, xuất hiện trên 100 nước với 50-100 triệu ca mắc mỗi năm trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố “Thế kỷ 21 là thế kỷ phòng chống bệnh sốt xuất huyết”.

Theo dữ liệu từ WHO cho thấy mỗi năm vào mùa sốt xuất huyết toàn cầu có khoảng 390 triệu ca nhiễm virus Dengue, trong đó 96 triệu người có biểu hiện lâm sàng. Một nghiên cứu khác về sự phổ biến của bệnh sốt xuất huyết ước tính rằng 3,9 tỷ người có nguy cơ nhiễm virus sốt xuất huyết, trong đó 70% gánh nặng thực sự nằm ở các nước châu Á.

Số ca sốt xuất huyết được báo cáo cho WHO đã tăng hơn 8 lần trong hai thập kỷ qua, từ 505.430 ca trong năm năm 2000, lên hơn 2,4 triệu ca năm 2010 và 5,2 triệu ca năm 2019. Số ca tử vong được báo cáo trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2015 tăng từ 960 lên 4032 trường hợp.

Mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Trong những năm gần đây, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đã liên tục phát đi những cảnh báo về sự gia tăng sốt xuất huyết trên phạm vi toàn cầu và đánh giá bệnh là 1 trong 10 “mối đe dọa sức khỏe toàn cầu” được xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế.

Sốt xuất huyết nguy hiểm bởi các yếu tố: Diễn biến khó lường, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biến chứng của bệnh đặc biệt nguy hiểm thậm chí có khả năng dẫn đến tử vong:

  • Sốt xuất huyết diễn biến khó lường, không thể đoán trước. Dù không có dấu hiệu cảnh bảo, bệnh nhân vẫn có thể sốc, thoát dịch xuất huyết nặng, suy đa tặng,… và tử vong.
  • Do triệu chứng sốt dễ nhầm lẫn với sốt do các nguyên nhân khác, nhất là ở trẻ em, nên thường bị bỏ qua giai đoạn đầu, thường chỉ được đưa đến Bệnh viện khi đã có diễn biến nặng, khó điều trị, có thể dẫn tới tử vong
  • Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng với các trường hợp bệnh nhẹ và điều chỉnh các rối loạn bệnh sinh với những trường hợp nặng.

Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc sốt xuất huyết, gây giảm tiểu cầu với các biểu hiện xuất huyết, tăng tính thấm thành mạch, dẫn đến suy giảm thể tích nội mạch và gây sốc hoặc tình trạng xuất huyết nặng, tích tụ dịch, suy hô hấp, suy đa tạng nặng như tổn thương gan, thần kinh trung ương, tim và các cơ quan khác.

Nguyên nhân sốt xuất huyết

Tìm hiểu về virus gây bệnh sốt xuất huyết

Nguyên nhân sốt xuất huyết là do virus Dengue gây ra, thuộc họ Flaviviridae, một họ virus RNA khá phổ biến trong môi trường nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu. Số ca mắc sốt xuất huyết đã gia tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây và hiện nay bệnh đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn cho sức khỏe cộng đồng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ.

Virus Dengue được truyền từ người sang người thông qua vết đốt của muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus, hai loài muỗi phổ biến trong các khu vực đô thị và nông thôn. Việc kiểm soát sinh sản và sự phát triển của loài muỗi này là một trong những biện pháp hàng đầu trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết.

Có 4 tuýp huyết thanh của virus Dengue (DENV) có thể gây bệnh, bao gồm DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Mỗi người có thể bị nhiễm mỗi tuýp ít nhất một lần trong đời. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết do chủng virus nào chỉ có miễn dịch suốt đời với duy nhất 1 chủng virus đó, có thể sẽ tạo miễn dịch chéo với các tuýp virus còn lại nhưng chỉ là thoáng qua, không bền vững, nhanh chóng suy giảm và biến mất hoàn toàn.

Điều đó có nghĩa rằng bệnh nhân từng mắc sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ tái nhiễm bệnh nhiều hơn một lần trong đời và thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở lần tái nhiễm.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, nhưng chủ yếu là 2 chủng virus DENV-1 và DENV-2. Trong năm 2023, tuýp DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 tuýp DENV-2 chiếm khoảng 70%. Tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Có thể thấy, virus gây bệnh sốt xuất huyết là một thách thức nghiêm trọng đối với y tế cộng đồng ở nhiều khu vực trên thế giới. Sự phức tạp trong đặc điểm sinh học và khả năng lây lan nhanh chóng của virus này đòi hỏi chiến lược quản lý tổng thể và đồng bộ, từ việc kiểm soát muỗi truyền bệnh đến cải thiện sự nhận thức và hành vi chủ động phòng ngừa của người dân.

Bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Hiện nay, những lầm tưởng, quan điểm nhìn nhận chưa đúng về sốt xuất huyết rất nhiều, trong đó có vấn đề đường lây truyền bệnh và việc tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết có lây bệnh không? Cần phải khẳng định, sốt xuất huyết không lây truyền khi tiếp xúc với người bệnh, mà lây phổ biến qua các con đường sau:

Lây bệnh do bị muỗi vằn Aedes aegypti đốt

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền chủ yếu qua đường muỗi đốt, do muỗi vằn cái là trung gian lây truyền bệnh. Khi muỗi đốt người bệnh mang virus Dengue, chúng sẽ mang mầm bệnh và phát tán virus thông qua vết đốt. Ngay cả ở những người mắc sốt xuất huyết không có triệu chứng hoặc người mang virus đang trong giai đoạn ủ bệnh vẫn có thể trở thành nguồn lấy virus cho người khác khi bị muỗi đốt. Nghiên cứu cho thấy, có đến 80% trường hợp nhiễm sốt xuất huyết không triệu chứng, nhưng vẫn có khả năng lây truyền bệnh cho người khác qua vector trung gian là muỗi.

Ngoài con đường muỗi truyền, virus Dengue còn có thể lây lan qua 2 con đường khác hiếm gặp hơn là từ mẹ truyền sang con, đường máu (khi hiến máu, hiến tặng, phơi nhiễm với kim tiêm có máu người bệnh mắc sốt xuất huyết…)

Lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm

Đường lây truyền này ít phổ biến hơn so với lây qua đường muỗi vằn đốt. Người lành có nguy cơ cao mắc bệnh nếu lấy máu của người mang mầm bệnh truyền cho người lành hoặc khi người lành và người bệnh dùng chung bơm kim tiêm.

Các đường lây truyền ít gặp

  • Lây truyền tại bệnh viện: Virus Dengue có thể bị lây qua các chế phẩm máu, phơi nhiễm với tổn thương do kim tiêm, tổn thương ở niêm mạc. Người hiến tặng máu không có triệu chứng cũng có thể mang virus Dengue trong máu.
  • Lây truyền dọc: Người mẹ mang virus dengue trong máu (mắc bệnh trong vòng 10 ngày trước sinh) có thể truyền virus cho con khi sinh. Sốt xuất huyết có thể biểu hiện ở trẻ sơ sinh lúc 4-11 ngày tuổi.

Sốt xuất huyết phổ biến ở đâu?

Sốt xuất huyết hiện nay là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu và được WHO đánh giá là một trong những bệnh do vật trung gian truyền bệnh nguy hiểm nhất. Kể từ khi được phát hiện vào những năm 50 của thế kỷ trước, sốt xuất huyết liên tục lan rộng ra các quốc gia, hiện bệnh đã được lưu hành trên 129 quốc gia với hàng trăm triệu ca mắc trên toàn thế giới mỗi năm, đặc biệt số người mắc đã tăng tới 30 lần trong 50 năm qua.

Tình hình dịch sốt xuất huyết xuất hiện không ổn định phù hợp vào nhiều yếu tố như thời tiết khí hậu, lượng mưa. Đặc biệt, bệnh thường bùng phát mạnh vào khoảng thời gian trong và ngay sau mùa mưa ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như châu Phi, Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung đông, khu vực Caribe, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Châu Úc và Tây Nam Thái Bình Dương.

Triệu chứng sốt xuất huyết

Triệu chứng sốt xuất huyết lâm sàng rất đa dạng và dễ nhầm lẫn với các bệnh có triệu chứng tương tự khác, có thể diễn tiến qua từng giai đoạn. Cụ thể như sau:

Giai đoạn đầu

Ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân thường khởi phát với triệu chứng sốt cao đột ngột và kéo dài trong vòng 4-7 ngày từ khi bị muỗi đốt và lây truyền mầm bệnh. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như:

  • Đau đầu liên tục;
  • Đau nhức hai hốc mắt;
  • Đau khớp và cơ;
  • Chán ăn, buồn nôn;
  • Có ban xuất huyết dưới da;
  • Chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và dần thuyên giảm sau 1-2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó. Trong giai đoạn này, xét nghiệm có thể thấy số lượng tiểu cầu bình thường hoặc cũng có thể giảm dần (nhưng vẫn còn trên 100.000/mm3). Số lượng bạch cầu thường giảm.

Giai đoạn nguy hiểm

Ở giai đoạn nguy hiểm, thông thường rơi vào ngày thứ 3 cho đến thứ 7 của bệnh, người bệnh có thể sốt hoặc giảm sốt. Có thể có các biểu hiện như:

  • Đau bụng dữ dội và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan;
  • Người bệnh còn có thể có dấu hiệu vật vã, li bì, nôn ói;
  • Có các biểu hiện của thoát huyết tương, nếu nặng hơn có dẫn thể đến sốc với biểu hiện vật vã, bứt rứt, li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít;
  • Tràn dịch màng phổi, mô kẽ có thể gây suy hô hấp, phù nề mí mắt;
  • Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất huyết dưới da. Các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết xuất hiện ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, hay vùng bụng, đùi, mạng sườn. Xuất huyết niêm mạc, người bệnh có dấu hiệu chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

Trong một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có biểu hiện suy tạng, như tổn thương gan nặng hay suy đa cơ quan gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.

Giai đoạn hồi phục

Sốt xuất huyết giai đoạn hồi phục thường diễn ra vào ngày thứ 7 đến thứ 10 của bệnh. Người bệnh lúc đó hết sốt, thể trạng tốt hơn, có cảm giác thèm ăn, tiểu nhiều. Số lượng tiểu cầu sẽ tăng dần và trở về trạng thái bình thường.

Các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết

Trước đây, bệnh sốt xuất huyết thường phổ biến ở trẻ em; nhưng hiện tại, nhiều người lớn cũng mắc bệnh và tỷ lệ biến chứng cao. Nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Trước hết, phải kể đến sốc do mất máu thoát huyết tương. Nguyên nhân do virus gây bệnh sốt xuất huyết làm tăng tính thấm mao mạch gây thoát huyết tương, làm cô đặc máu dẫn đến sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương ứ đọng trong màng não qua các hành mạch, gây phù não và hội chứng thần kinh. Người bệnh có thể hôn mê.

Thoát huyết tương còn có thể bị tràn, xâm nhập và gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp. Nếu không được cấp cứu tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa.

Biến chứng tụt huyết áp đột ngột do mất máu, thoát huyết tương nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não và tử vong. Từ các biến chứng trên có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục khiến tim không đủ máu để tuần hoàn. Ngoài ra, sốt xuất huyết có thể biến chứng suy thận cấp, các biến chứng về mắt như mù đột ngột hoặc suy giảm thị lực.

Ở phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể sốt cao, khiến nhịp tim thai nhi đập nhanh và ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu không may nhiễm sốt xuất huyết trong những tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể sảy thai.

Phương pháp chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác do virus khác như: Covid-19, sốt rét, bệnh do leptospira và sốt thương hàn,… có các dấu hiệu và triệu chứng tương đồng nhau nên việc chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết chính xác khác khó khăn.

“Hệ miễn dịch càng suy yếu thì nguy cơ vừa nhiễm sốt xuất huyết vừa kèm thêm nhiều bệnh lý khác càng gia tăng. Giai đoạn đầu các triệu chứng của bệnh có thể trùng lắp nên rất khó để biết trẻ bị nhiễm virus sốt xuất huyết, virus SARS-CoV-2, nhiễm các loại siêu vi khác hay bị đồng thời nhiều bệnh. Đây chính là khó khăn trong việc chẩn đoán chính xác bệnh” BS Trương Hữu Khanh cho biết.

Chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thường dựa vào các yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng cũng như dựa vào các xét nghiệm đơn giản: số lượng bạch cầu, số lượng tiểu cầu và hematocrit. Một số xét nghiệm có thể giúp phát hiện mức độ của sốt xuất huyết như:

  • Điện giải đồ;
  • Khí máu;
  • Chức năng đông máu;
  • Men gan;
  • X-quang phổi nhằm phát hiện biến chứng tràn dịch phổi.

Điều trị bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Bác sĩ sẽ điều trị các triệu chứng để hạn chế diễn tiến nặng có thể xảy ra. Những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần. Những trường hợp nặng được điều trị chủ yếu giảm triệu chứng và kiểm soát các nguy cơ diễn biến nặng của bệnh bằng cách hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.

Việc điều trị sốt xuất huyết phải tuân theo phác đồ điều trị chuẩn. Khi xác định dương tính với sốt xuất huyết, người bệnh sẽ được kê đơn điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị nội trú tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Trong thời gian này, bác sĩ có thể kê một số thuốc để giảm sốt như Paracetamol (Tylenol®, Panadol®). Cần tránh các thuốc giảm đau có nguy cơ tăng biến chứng chảy máu như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium.

“Tự ý uống hạ sốt liên tục, uống kháng sinh là sai lầm khá phổ biến khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Nguyên nhân là bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, không phải vi khuẩn. Do đó, kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh này.” BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và vitamin C, uống nhiều nước và nghỉ ngơi, tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ, khó tiêu. Duy trì điều trị và theo dõi trong khoảng 12 ngày, người bệnh có thể quay lại cơ sở y tế để tái khám và nếu không xảy ra biến chứng bất thường có nghĩa là bệnh đã khỏi.

Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Vắc xin

Vắc xin phòng sốt xuất huyết được phát triển bởi Hãng vắc xin và dược phẩm Takeda (Nhật Bản), sản xuất tại Đức có khả năng phòng ngừa hiệu quả với cả 4 tuýp huyết thanh sốt xuất huyết lên đến 80,2% tại thời điểm 12 tháng sau tiêm liều thứ hai, hiệu lực bảo vệ kéo dài đến 4,5 năm.

Tiêm vắc xin được đánh giá là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết, với tỉ lệ giảm lên đến 90,4% sau 18 tháng tiêm liều thứ hai. Hiệu lực của vắc xin còn được duy trì trong thời gian dài, hiệu quả chống nhiễm virus là 61,2%, ngăn nhập viện là 84,2% sau 4,5 năm theo dõi.

Vắc xin phòng sốt xuất huyết của Takeda hiện đã được cấp phép sử dụng cho người dân tại hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới và là vắc xin phòng sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam.

Ngăn ngừa muỗi đốt

Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Muỗi vằn chính là nguồn lây bệnh trung gian và cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt muỗi tận gốc, khi đó nguy cơ bùng phát dịch sẽ giảm đi đáng kể.

Biện pháp phòng và diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi:

  • Thay nước thường xuyên cho các lọ hoa, chậu cây cảnh có nước,…
  • Thả cá vàng vào bể cá, hồ cá, hòn non bộ,… để tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng.
  • Che đậy lu nước, xô nước,…
  • Xúc rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần.
  • Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng.
  • Thu gom phế liệu, rác thải thường xuyên.
  • Phát quang bụi rậm, cây cối trong vườn.
  • Phun thuốc diệt muỗi quanh nhà.

Thay đổi thói quen sinh hoạt:

  • Ngủ màn kể cả ban ngày.
  • Mặc quần áo dài tay, dài chân và nhạt màu khi ra ngoài.
  • Thoa dầu tràm hoặc kem chống muỗi.
  • Mùa mưa, nên hạn chế ra ngoài vào buổi chiều tối, đặc biệt không đến những nơi um tùm, ẩm thấp, nhiều cây cối,…
  • Ba mẹ khi cho bé ra ngoài vui chơi cần theo dõi, giám sát bé thường xuyên, không để bị muỗi đốt.
  • Đóng kín các cửa trong nhà.
  • Người bị sốt xuất huyết cần ngủ màn thường xuyên để phòng tránh muỗi đốt và lây truyền cho những thành viên khác trong nhà.

Sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, tổn hao đáng kể chi phí y tế, thậm chí cướp đi tính mạng người bệnh. Mỗi người cần chủ động tự giác phòng ngừa bệnh, loại bỏ muỗi vằn xung quanh gia đình, đồng thời phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị bệnh kịp thời.