Khám sức khỏe tiền hôn nhân được xem là “tuyến phòng thủ” bảo vệ sức khỏe của các cặp đôi trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, trọn vẹn, các cặp đôi nên thăm khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp giảm bớt những gánh nặng và rủi ro có thể xảy ra, góp phần mang đến một cuộc hôn nhân an toàn, suôn sẻ. Vậy khám tiền hôn nhân là khám những gì? Có phải tất cả cặp đôi trước khi cưới đều cần đi tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân (khám tổng quát trước khi cưới) là quy trình thăm khám tổng quát, thực hiện những xét nghiệm sàng lọc nhằm đánh giá sức khỏe của cặp đôi sắp cưới.

Quy trình khám sức khỏe trước khi cưới bao gồm thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe cho cả nam và nữ. Thông qua các xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa có thể xác định được những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trong tương lai có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh  sản của cặp đôi. Việc khám sức khỏe trước hôn nhân giúp phát hiện các bệnh lý, vấn đề sức khỏe, bao gồm những đặc điểm di truyền tiềm ẩn, bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Có nên khám sức khỏe trước hôn nhân?

Hôn nhân là sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời người nên các cặp đôi luôn dành nhiều thời gian và tâm sức cho việc tổ chức lễ cưới. Tuy nhiên, có một khía cạnh rất quan trọng trong hôn nhân nhưng thường bị bỏ qua đó là khám sức khỏe trước khi cưới. Việc kiểm tra tiền hôn nhân đóng vai trò quan trọng bởi:

Góp phần xây dựng cuộc sống hôn nhân khỏe mạnh, hạnh phúc

Khám sức khỏe trước hôn nhân cung cấp cho các cặp vợ chồng sắp cưới những thông tin sức khỏe khách quan cần thiết cho tương lai, bao gồm: tiền sử bệnh lý, các yếu tố di truyền, chế độ ăn uống và tập thể dục, cân nặng… và những yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Thông qua kết quả khám sức khỏe tổng quát trước khi cưới, bác sĩ sẽ tư vấn để cặp đôi có thể nâng cao nhận thức, hiểu biết về sức khỏe của bản thân và bạn đời, biết cách duy trì sức khỏe ở trạng thái tốt để cùng nhau xây dựng cuộc sống.

Ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

Các bệnh lây qua đường tình dục như HIV, viêm gan, giang mai, lậu và mụn rộp… kéo dài suốt đời, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tâm lý. Nếu không được phát hiện hoặc không quản lý, kiểm soát bệnh đúng cách, bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến đời sống hôn nhân. Đặc biệt, không chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến những biến chứng về sức khỏe như vô sinh, sinh non, sảy thai, mang thai ngoài tử cung, ung thư và/hoặc tử vong sớm…

Kết quả khám sức khỏe tổng quát trước khi cưới giúp phát hiện sớm các bệnh lây qua đường tình dục (nếu có). Qua đó, bác sĩ có thể tư vấn cho cặp đôi cách chăm sóc sức khỏe, điều trị phù hợp.

Tránh truyền các bệnh di truyền cho con cái

Khám sàng lọc trước hôn nhân cũng có ý nghĩa trong việc giúp phát hiện các rối loạn di truyền, chẳng hạn như bệnh máu khó đông, bệnh Thalassemia, hội chứng Marfan, bệnh Huntington và bệnh hồng cầu hình liềm… Có nhiều khả năng những bệnh lý này sẽ được truyền sang con cái. Do đó, cần sàng lọc từ đầu để giảm gánh nặng về các bệnh di truyền.

Hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình và quản lý sức khỏe sinh sản

Khám sàng lọc trước hôn nhân là bước đặc biệt quan trọng với các cặp đôi trước khi bước vào cuộc sống chung. Việc khám bệnh trước khi kết hôn, thăm khám sàng lọc toàn diện giúp cung cấp những thông tin cần thiết về khả năng sinh sản của mỗi người. Qua đó có thể phát hiện các tình trạng bất thường có nguy cơ làm giảm khả năng thụ thai, tăng các biến chứng thai kỳ. Các vấn đề về khả năng sinh sản có thể được can thiệp sớm mà không gây ra những tổn thương không cần thiết về mặt sinh học, tâm lý, xã hội, cảm xúc liên quan đến tình trạng hiếm muộn.

Chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống sau hôn nhân

Vợ chồng trước khi cưới đi thăm khám sức khỏe tổng quát cũng được bác sĩ tư vấn để chuẩn bị tinh thần và sức khỏe thể chất cho cuộc sống sau này. Đặc biệt, bác sĩ sẽ tư vấn những vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần để sẵn sàng cho việc chào đón thiên thần nhỏ trong tương lai.

Giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc

Các gói khám tổng quát trước khi cưới giúp tầm soát và phát hiện bệnh từ sớm, phòng ngừa bệnh trong tương lai. Từ đó làm giảm các rủi ro về sức khỏe, giúp tiết kiệm thời gian và tài chính do điều trị bệnh. Nhìn chung, việc tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân là giải pháp giúp các cặp đôi sắp kết hôn, mang thai có thể chủ động bảo vệ, nâng cao sức khỏe cũng như phòng ngừa những bệnh lý nghiêm trọng cho bản thân và con cái sau này.

Ai nên đi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân?

Chương trình kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn dành cho tất cả các cặp đôi đang chuẩn bị kết hôn. Cụ thể, những đối tượng nên kiểm tra sức khỏe trước khi cưới gồm có:

  • Những cặp đôi sắp cưới hoặc những cặp đôi mới bắt đầu lên kế hoạch cho đám cưới của mình.
  • Người có nhu cầu xác định vấn đề sức khỏe liên quan đến các bệnh di truyền, bệnh truyền nhiễm trước khi kết hôn.
  • Các cặp vợ chồng vừa kết hôn nhưng trước đó chưa khám sức khỏe tổng quát.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì?

Khám tiền hôn nhân là khám gì? Hiện nay, những gói khám sức khỏe trước khi cưới thường được chia làm các hạng mục cho nam và nữ. Từng gói khám cho các đối tượng có một số hạng mục khác nhau nhưng nhìn chung các gói khám được chia làm hai mục là khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe sinh sản.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam

Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho nam giới gồm những hạng mục:

  • Khám sức khỏe tổng quát: Khám lâm sàng (huyết áp, chỉ số cơ thể), đánh giá tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, xét nghiệm máu và sinh hóa máu (nhóm máu, công thức máu toàn phần, đường huyết, Ure, GOT, GPT, Creatinin, Cholesterol, Triglycerid…), xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm viêm gan, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm đánh giá bệnh tan máu/bệnh thiếu máu bẩm sinh…
  • Khám sức khỏe sinh sản: Khám lâm sàng bộ phận sinh dục, siêu âm tinh hoàn, xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm dịch niệu đạo, kiểm tra nội tiết tố sinh dục, xét nghiệm chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nữ

Với nữ giới, các gói khám sức khỏe tiền hôn nhân thường bao gồm:

  • Khám sức khỏe tổng quát: Khám lâm sàng (huyết áp, chỉ số cơ thể), đánh giá tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, xét nghiệm máu và sinh hóa máu (nhóm máu, công thức máu toàn phần, đường huyết, Ure, GOT, GPT, Creatinin, Cholesterol, Triglycerid…), xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm viêm gan, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm đánh giá bệnh tan máu/bệnh thiếu máu bẩm sinh…
  • Khám sức khỏe sinh sản: Siêu âm phụ khoa, siêu âm tuyến vú, soi tươi dịch âm đạo, kiểm tra hormone sinh dục, sàng lọc di truyền, tư vấn tiêm phòng các mũi vắc xin quan trọng trước khi mang thai (với cặp đôi có dự định có con sớm) hoặc tư vấn biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả (với cặp đôi chưa có ý định có con ngay sau khi kết hôn).

Khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài

Điều 20 nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định, các trường hợp kết hôn với người nước ngoài cần có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền không mắc bệnh tâm thần và/hoặc các bệnh không làm chủ hành vi của bản thân với thời gian trên giấy xác nhận không quá 6 tháng tính đến thời gian đăng ký hồ sơ kết hôn.

Một số cơ sở y tế hiện nay có dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân với trường hợp kết hôn với người nước ngoài. Gói khám thường bao gồm những hạng mục dành cho nam và nữ giống như gói khám sức khỏe tiền hôn nhân thông thường, nhưng sẽ có thêm hạng mục đánh giá các bệnh lý tâm thần kinh.

Tuy nhiên, cần lưu ý không phải cơ sở y tế nào cũng được cấp phép để khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài. Chỉ có các bệnh viện được Sở Tư pháp và Sở Y tế tại tỉnh/thành cấp phép mới được phép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài.

Các xét nghiệm trước khi kết hôn

Trước khi kết hôn, khi khám sức khỏe, ngoài việc đánh giá sức khỏe lâm sàng và tiền sử bệnh lý, còn cần thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:

Xét nghiệm máu trước kết hôn

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm cơ bản của các gói khám sức khỏe. Xét nghiệm máu thường bao gồm kiểm tra nhóm máu, chất lượng các tế bào dòng máu, kiểm tra các bệnh về máu như thiếu máu, sự tương thích về nhóm máu của các cặp vợ chồng…

Xét nghiệm di truyền trước khi cưới

Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm xét nghiệm các bệnh lý có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái, chẳng hạn như hội chứng Down, hội chứng xương thủy tinh, hội chứng Klinefelter, tam nhiễm sắc thể 18, tam nhiễm sắc thể 13, migraine, rối loạn phổ tự kỷ… Khi người vợ hoặc chồng mắc bệnh di truyền cho gen trội thì khi sinh con, trẻ có nguy cơ mắc bệnh lên đến 50%. Còn nếu bất thường ở gen lặn thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh ở mức 25% – 50%.

Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm tiền hôn nhân

Khám sức khỏe trước khi cưới không thể bỏ qua bước thăm khám, đánh giá các bệnh lý truyền nhiễm như viêm gan A, viêm gan B, HIV… Các bệnh này có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ rệt, đặc biệt là ở giai đoạn đầu nên rất khó phát hiện. Việc tầm soát, xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm trước khi cưới giúp phát hiện, kiểm soát bệnh, thực hiện phương pháp để phòng ngừa bệnh lây nhiễm chéo và lây sang cho con. Việc phát hiện bệnh sớm còn giúp hạn chế nguy cơ bị vô sinh, hiếm muộn.

Kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi cưới

Các gói khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam và nữ đều có hạng mục kiểm tra sức khỏe sinh sản, bao gồm siêu âm tử cung, siêu âm bụng, kiểm tra nội tiết tố sinh dục, xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm dịch niệu đạo… Khám sức khỏe sinh sản trước khi cưới giúp phát hiện các yếu tố gây vô sinh hiếm muộn, yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai…

Xét nghiệm các bệnh mạn tính trước khi kết hôn

Trước khi kết hôn, các cặp đôi cũng cần thăm khám các bệnh mạn tính để sớm phát hiện, điều trị, theo dõi kiểm soát bệnh, tránh diễn tiến xấu. Một số bệnh mạn tính đặc biệt có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ, làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, thậm chí dẫn đến tử vong, chẳng hạn như tiểu đường, tim mạch… Các bệnh lý này cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh biến chứng thai kỳ.

Quy trình khám tiền hôn nhân như thế nào?

Tùy theo từng cơ sở y tế mà quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân có sự khác biệt. Thông thường, các cặp đôi trước khi cưới từ 1 – 6 tháng nên bắt đầu đăng ký thăm khám, đánh giá sức khỏe tổng quát. Sau khi đăng ký, bác sĩ tiến hành thu thập thông tin, bệnh sử cũng như các thông tin sức khỏe liên quan của gia đình và cặp đôi.

Tiếp đó, bác sĩ bắt đầu đánh giá sức khỏe tổng quát (cân nặng, chiều cao, huyết áp, chức năng hô hấp và chức năng tim mạch…) rồi thực hiện các xét nghiệm (xét nghiệm máu, xét nghiệm phụ khoa, xét nghiệm đánh giá chức năng sinh sản…). Khi có kết quả của các xét nghiệm, bác sĩ dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của từng cặp đôi để đưa ra tư vấn điều trị, cách duy trì sức khỏe phù hợp.

Lưu ý khi khám sức khỏe trước hôn nhân

Để việc thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân diễn ra suôn sẻ, thuận lợi và mang đến kết quả tầm soát tối ưu, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nên sắp xếp đi khám càng sớm càng tốt.
  • Hầu hết các gói khám đều cần thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu. Để đảm bảo kết quả chính xác, bạn không nên ăn sáng, uống các chất có đường, gas hoặc chất gây nghiện như trà, cà phê… từ 8 – 12 giờ trước khi đến khám/lấy máu xét nghiệm.
  • Trường hợp siêu âm bụng tổng quát, cần uống nhiều nước và nhịn tiểu cho đến khi siêu âm xong để bác sĩ có thể quan sát toàn bộ thành bàng quang, tử cung và hai buồng trứng (đối với nữ) hoặc tuyến tiền liệt và túi tinh (đối với nam). Ngoài ra, cần nhịn ăn để tránh túi mật bị co do dịch mật tiết ra để tiêu hóa thức ăn.
  • Ở các trường hợp siêu âm phụ khoa bằng đầu dò, cần tiểu hết cho bàng quang rỗng để bác sĩ dễ quan sát tử cung và phần phụ.
  • Vệ sinh cơ thể, tai, mũi, họng, vùng kín sạch sẽ để không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của bác sĩ khi thăm khám.
  • Nên mặc trang phục thoải mái, rộng rãi, không đeo nhiều đồ trang sức khi đi khám.
  • Thời gian thực hiện các gói khám có thể kéo dài từ 3 giờ đến hơn 1 ngày. Bạn nên hỏi trước cơ sở y tế về thời gian thăm khám dự kiến để sắp xếp công việc cá nhân.
  • Với nữ, khi khám sức khỏe tiền hôn nhân cần chú ý thêm một số vấn đề như:
    • Tránh chu kỳ kinh nguyệt.
    • Tránh đặt thuốc âm đạo, thụt rửa âm đạo 48 giờ trước khi lấy mẫu xét nghiệm.
    • Kiêng quan hệ tình dục vào đêm hôm trước.
    • Trường hợp chưa quan hệ tình dục không khám âm đạo được thì bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm bụng tổng quát để phát hiện những bất thường như u xơ, u nang buồng trứng… Tuy nhiên, việc siêu âm bụng tổng quát bị hạn chế khi khảo sát tử cung và hai phần phụ, có nguy cơ bỏ sót bệnh cao hơn.
    • Trường hợp có quan hệ tình dục, phái nữ sẽ thực hiện siêu âm phụ khoa ngả âm đạo được và khuyến khích chọn các gói khám sức khỏe tiền hôn nhân có dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung nếu > 21 tuổi.
    • Phụ nữ > 40 tuổi khuyến khích tầm soát ung thư vú (siêu âm phối hợp nhũ ảnh).

Chi phí khám tiền hôn nhân

Chi phí khám sức khỏe trước hôn nhân cơ bản có thể chỉ từ hơn 2,000,000 VNĐ/người. Các gói chuyên sâu có thể có giá cao hơn. Chi phí này thường chênh lệch tùy theo từng cơ sở khám chữa bệnh, phụ thuộc vào các yếu tố như: hệ thống máy móc, trình độ của bác sĩ/kỹ thuật viên, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh/phương pháp xét nghiệm, các dịch vụ bên trong gói khám… Bạn nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể về chi phí.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng với các cặp đôi trước khi kết hôn, giúp đánh giá tổng quan về sức khỏe, sớm phát hiện và điều trị các bệnh liên quan, biết cách bảo vệ sức khỏe và cuộc sống hôn nhân thêm trọn vẹn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *