Hàng năm có khoảng 500.000 người tử vong trên toàn thế giới vì ung thư vú. Việt Nam cũng không ngoại lệ, mỗi năm có khoảng 11.000 ca mắc mới và cứ trung bình 8 phụ nữ thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh. Theo viện nghiên cứu Ung Thư Việt Nam, cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có loại thực phẩm đặc biệt nào có thể giúp phòng chống hoặc điều trị được căn bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, duy trì lối sống lành mạnh, cân nặng hợp lý, chế độ dinh dưỡng cân bằng và đa dạng luôn đóng một vai trò quan trọng giúp cơ thể khỏe hơn, làm mạnh hệ miễn dịch hơn, và giảm thấp nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

  1. Duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp phòng tránh ung thư vú: Người thừa cân béo phì sẽ tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt khi béo phì xuất hiện trễ ở giai đoạn mãn kinh. Sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI: Body Mass Index) để đánh giá mức cân có phù hợp với chiều cao hiện có hay không. BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). BMI nên trong khoảng 18,5-23. Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách ăn uống cân đối, thường xuyên hoạt động thể lực ít nhất 30 phút/ngày trong 5-7 ngày mỗi tuần.
  2. Chế độ ăn ít béo: Giảm chất béo trong bữa ăn bằng cách hạn chế thức ăn chiên, quay, thịt mỡ…; đặc biệt là các loại béo no như mỡ heo, bò, gia cầm, da, nội tạng…
  3. Ăn đa dạng các loại rau và trái cây: Mỗi ngày nên ăn khoảng 300g rau và 200g trái cây đủ loại, nhiều màu sắc. Rau xanh đậm, củ quả vàng cam đậm như rau ngót, bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, đu đủ chin… chứa nhiều beta-caroten; trái cây màu đỏ như cà chua, dưa hấu, bưởi đỏ, lượu đỏ… chứa nhiều lycopen; các rau trái khác chứa nhiều vitamin C là những chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào chống lại sự tấn công của các gốc tự do.
  4. Chọn ngũ cốc nguyên hạt vì chứa nhiều vi khoáng chất và chất xơ giúp cơ thể khỏe mạnh.
  5. Chọn thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá biển sâu (cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá trích, quả óc chó…). Omega-3 có tính kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch và là chất chống oxy hóa giúp phòng chống sự phát triển của tế bào ung thư.
  6. Tránh chất béo dạng trans có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt chế biến sẵn (thịt hộp, lạp xưởng, xúc xích…), thực phẩm xông khói…
  7. Hạn chế thức uống có cồn. Uống rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư vú. Nên hạn chế loại thức uống này ở mức thấp nhất có thể.
  8. Không hút thuốc. Đã có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa ung thư vú và hút thuốc, đặc biệt ở những phụ nữ tiền mãn kinh.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư vú. Bằng cách lựa chọn những thực phẩm lành mạnh, hạn chế thực phẩm có hại và kết hợp với lối sống lành mạnh, bạn đã tự trang bị cho mình vũ khí mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe bản thân. Hãy chia sẻ thông tin này đến những người phụ nữ xung quanh để cùng nhau xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh.